Chùa Một Cột nằm trong quần thể di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn có tên là "Nhất Trụ tự".  Chùa được thiết kế độc đáo trên một trụ đá trong hồ nước, được coi như một biểu tượng của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Văn bia trong chùa dựng năm Cảnh Trị 3 (1665), đời vua Lê Huyền Tông có nội dung: Nước Việt xưa có cái hồ hình vuông... Năm đầu tiên hiệu Hàm Thông đời Đường (trong thời gian này Việt Nam bị nhà Đường đô hộ) dựng một cột đá ở giữa hồ. Trên xây một tòa lầu ngọc trong đó đặt tượng Phật Quan Âm để thờ cúng...

Đến khi triều Lý xây dựng kinh đô ở đây, cũng noi theo dấu cũ, ngày càng sùng kính linh thiêng. Khi Lý Thái Tông chưa có hoàng tử thường đến đó cầu nguyện. Một đêm nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm mời lên trên lầu, ôm một đứa bé đặt vào lòng vua. Tháng đó hoàng hậu có mang hoàng tử. Vua bèn sửa thêm một ngôi chùa Diên Hựu (phúc lành dài lâu) ở bên phải chùa Một Cột để mở rộng việc thờ cúng làm sáng rõ sự tôn sùng....

Các sách chính sử ghi: "Mùa đông tháng 10 năm Đại Bảo (1049) dựng chùa Diên Hựu... Trước đây chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy vua đem việc nói với quần thần, có người cho là điềm lành. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa ao, làm tòa sen của Phật Quan Âm trên cột như thấy trong mộng, cho các nhà sư đi lượng vòng quanh tụng kinh cho nhà vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu".

Trải qua năm tháng, chùa Một Cột đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Đời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), năm Anh Vũ Chiêu Thắng 5 (1080), vua cho đúc chuông treo ở chùa gọi là " Giác thế chung" (chuông thức tỉnh mọi người) và một tòa phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng. Nhưng vì chuông quá nặng nên phải để dưới đất, do vậy đánh không kêu. Chỗ ruộng để chuông thấp, có nhiều rùa đến ở gọi là Quy Điền. Khi quân Minh bị nghĩa quân Lam Sơn bao vây ở Đông Quân, Vương Thông đã cho phá hủy quả chuông nay để đúc vũ khí (1426).

Năm 1954, trước khi rút quân, Pháp cho tay chân đặt thuốc nổ phá chùa Một Cột. Sau ngày tiếp quản thủ đô (10/10/1954) Bộ văn hóa đã có một đợt trùng tu lớn là chùa Một Cột và chùa Diên Hựu như hiện nay.

Chùa Một Cột có ý nghĩa văn hóa, tôn giáo to lớn nhưng lại phải thu nhỏ về mặt quy mô để đảm bảo kiến trúc có hình tượng một bông sen như vua mộng thấy Phạt Quan Âm dắt lên tòa sen.

Tới nay, chùa Diên Hựu cùng chùa Một Cột được khách thập phương trong và ngoài nước tới cầu nguyện, tham quan. Đây là một ngôi chùa có lối kiến trúc cổ độc đáo, là thắng cảnh của Hà Nội cũng như cả nước./.